Habubank - Ngoài các nguồn thu truyền thống, sự khởi sắc trở lại của thị trường chứng khoán đã nâng thêm lợi nhuận ngân hàng (bank).
Đến thời điểm này nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2012. Ngoại trừ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), các thành viên đều có mức lợi nhuận trước thuế lớn hơn cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn lớn nhất trong những con số vừa dồn dập công bố vẫn là từ tín dụng. Nhưng, quý 1 năm nay khá khác biệt: nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc, một số ngân hàng đã được hoàn nhập dự phòng từ hoạt động đầu tư tài chính, cũng như thu nhập từ góp vốn mua cổ phần gia tăng đáng kể.
Ngân hàng Công thương (VietinBank) là thành viên đầu tiên công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý 1. Kỳ này VietinBank đạt mức lợi nhuận trước thuế là 1.859 tỷ đồng, gấp hơn 1,8 lần cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp quan trọng vào mức gia tăng này là chi phí dự phòng rủi ro (845 tỷ đồng) chỉ bằng chưa đến một nửa so với 3 tháng đầu năm 2011 (1.900 tỷ đồng). Thu nhập từ lãi thuần là 4.250 tỷ đồng, chiếm 88% tổng doanh thu.
Vietcombank cũng đã công bố kết quả. Lợi nhuận trước thuế quý đầu năm đạt 1.663 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ. Nguyên do nằm ở chi phí dự phòng rủi ro, tăng mạnh lên 900 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với năm trước, kéo lợi nhuận đi xuống. Thu nhập lãi thuần chiếm hơn 80% tổng thu nhập.
Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết lợi nhuận kinh doanh quý 1 đạt 960 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm 2011, nhưng trị số tuyệt đối không lớn nên sau khi trừ chi phí, ngân hàng vẫn đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế quý này của ACB là 725 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 50 tỷ đồng.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trong báo cáo hợp nhất cho thấy lợi nhuận 3 tháng đầu năm 2012 đạt 225 tỷ, gần gấp 1,5 lần cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kỳ này tăng đột biến lên 68 tỷ đồng (so với 9,6 tỷ đồng cùng kỳ 2011). Mặc dù thu nhập lãi thuần vẫn chiếm ưu thế, nhưng các khoản mục kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận sự tăng vọt về giá trị. Hoạt động kinh doanh ngoại hối kỳ này đạt gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2011 chỉ có gần 1,7 tỷ đồng. Tương tự, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kỳ này đạt khoảng 4,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2011 chỉ vẻn vẹn hơn 40 triệu.
Trước thềm đại hội cổ đông, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã kịp đưa ra con số lợi nhuận trước thuế quý này gần 885 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên họ chủ động công bố dữ liệu cụ thể theo quý như vậy, bởi đã là niêm yết. Trong tình hình nợ xấu tăng cao, MB cũng phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro lên gần gấp đôi năm trước, lên 257 tỷ đồng. Đặc biệt, kỳ này họ có khoản lợi nhuận 7,5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong khi cùng kỳ năm trước khoản mục này lỗ gần 150 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) tiếp tục hứa hẹn một năm bứt phá, khi quý 1/2012 có lợi nhuận trước thuế khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là con số gần với kết quả lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), 1.001 tỷ đồng, tăng gần 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại một thành viên khác trong nhóm dẫn đầu khối cổ phần này, Ngân hàng Kỹ thương Techcombank bước đầu công bố con số 771 tỷ đồng.
Trong kết quả kinh doanh, đáng chú ý là nhiều ngân hàng đã hưởng lợi từ những tín hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán. Hầu hết đều ghi nhận có sự hoàn nhập từ các khoản dự phòng, hay ít nhất là không bị níu kéo như trong quý 1 những năm gần đây.
Bên cạnh đó, những sự hồi phục của thị trường chứng khoán còn được phản ánh ở sự gia tăng trong giá trị các khoản đầu tư góp vốn. Điển hình như tại Vietcombank là con số 174 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần cùng kỳ.
Phía sau lợi nhuận, dữ liệu về nợ xấu của các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính cho thấy vẫn ở giới hạn cho phép. ACB có tỷ trọng nợ xấu thấp nhất trong số các thành viên đã công bố, với 1,1%. Ở VietinBank và MB, con số này đứng ở mức khoảng 1,8%, gần với con số của Eximbank…
Với những kết quả đã công bố, bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý 1/2012 đã cơ bản định hình ở hầu hết các thành viên lớn. Nhưng câu hỏi vẫn bỏ ngỏ ở nhiều ngân hàng vừa và nhỏ.
Thông thường, lợi nhuận ngân hàng quý 1 thường thấp nhất trong các quý của năm. Năm nay, những kết quả trên cho thấy nhiều nhà băng đã khởi động mạnh hơn những năm trước, cho dù, bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn…